Trong quá trình sử dụng máy giặt, đôi khi quần áo của bạn bị dính những vệt ố hoặc vết bẩn. Những vết bẩn này thường xuất hiện do sử dụng chất tẩy rửa không đúng cách, lồng giặt không được vệ sinh sạch sẽ, phân loại đồ giặt không chính xác,... Do đó, bạn cần áp dụng một số biện pháp để ngăn việc máy giặt để lại các vết bẩn này trên quần áo của bạn.
1. Quần áo giặt không sạch
Nguyên nhân:
- Lượng bột giặt quá ít hoặc quá nhiều. Khi lượng bột giặt không đủ,hiển nhiên máy giặt không thể làm sạch một cách hiệu quả, dẫn đến việc quần áo vẫn còn bẩn sau khi giặt. Ngược lại, khi lượng bột giặt quá nhiều, nó có thể gây ra hiện tượng bị vón cục và không được phân tán đều trong nước giặt, làm cho quần áo có vết trắng.
- Mực nước quá thấp. Khi mực nước không đủ, quần áo không được ngâm đủ trong dung dịch giặt và không thể được làm sạch một cách tối ưu.
- Quá nhiều đồ giặt. Khi quá nhiều quần áo được cho vào cùng một lúc, không còn đủ không gian và nước để làm sạch tốt từng món đồ, dẫn đến kết quả không đạt được hiệu quả giặt mong muốn.
- Chương trình giặt sai. Nếu chương trình giặt không phù hợp với loại quần áo hoặc mức độ bẩn, nó có thể không đáp ứng được yêu cầu giặt sạch
- Phân loại đồ giặt sai.
- Chưa giặt sơ những quần áo có nhiều vết bẩn cứng đầu trước khi cho vào máy giặt. Nếu quần áo có nhiều vết bẩn cứng đầu như vết mực, mỡ, hay vết đất cứng, việc không giặt sơ bằng tay hoặc không tiền xử lý trước khi cho vào máy giặt có thể làm cho vết bẩn không được loại bỏ hoàn toàn trong quá trình giặt.
Cách khắc phục:
- Sử dụng đúng bột giặt theo lượng đồ giặt và độ bẩn. (bạn nên dùng bột giặt chuyên dùng cho từng loại máy giặt hoặc chất liệu đồ giặt, ví dụ: máy giặt cửa ngang không nên dùng loại bột giặt có nhiều bọt).
- Chọn nhiệt độ nước theo từng mức độ bẩn. Bạn nên sử dụng nước ấm và nóng cho quần áo có độ bẩn cao.
- Không nên giặt quá nhiều quần áo trong một lần.
- Bạn nên phân loại quần áo bẩn nhiều và bẩn ít để giặt riêng.
- Nên giặt sơ qua bằng tay đối với đồ giặt quá bẩn trước khi cho vào máy.
2. Quần áo dính vết bẩn xanh
Nguyên nhân: Lỗi này sẽ xảy ra nếu người dùng đổ trực tiếp chất làm mềm vải vào đồ giặt, từ đó sẽ làm loang màu quần áo.
Cách khắc phục:
- Chà vết bẩn bằng xà phòng bánh hoặc xà phòng giặt.
- Không cho quá nhiều chất làm mềm vải, và không đổ chất làm mềm vải trực tiếp lên đồ giặt. Thay vào đó, bạn nên đổ chất làm mềm vải vào ngăn chứa riêng, nằm bên cạnh ngăn chứa bột giặt của máy giặt.
3. Quần áo dính vết bẩn màu xám
Nguyên nhân: có thể do bạn đã cho ít bột giặt hoặc cũng có thể vết bẩn hình thành do sự tương tác giữa chất làm mềm vải và bột giặt hoặc do sự phai màu từ quần áo khác giặt cùng trong lượt giặt đó.
Cách khắc phục:
- Nước làm mềm vải nên đổ vào khoang chứa riêng.
- Mỗi máy giặt lại có ngăn để nước làm mềm vải khác nhau, vì thế để chắc chắn bạn sử dụng máy giặt đúng cách, bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi vận hành máy giặt.
- Cho nước giặt và nước xả vải đúng liều lượng, không nên lạm dụng quá nhiều.
4. Quần áo dính vết gỉ vàng hoặc nâu
Nguyên nhân: Có thể liên quan đến lồng máy giặt bị bẩn, có chỗ bị han rỉ, hoặc nguồn nước có magie, sắt.
Cách khắc phục:
- Bạn có thể sử dụng thuốc tẩy để xóa đi vết ố vàng trên quần áo.
- Lắp đặt bộ lọc sắt hoặc chất làm mềm nước nhưng không gây kết tủa cho hệ thống cấp nước. Các bạn có thể liên hệ cho nhân viên kỹ thuật của trung tâm chuyên sửa máy giặt tại nhà để được tư vấn kỹ hơn khi lắp đặt.
5. Quần áo bị xơ vải
Nguyên nhân:
- Phân loại đồ giặt chưa đúng. Khi chúng ta không phân loại quần áo theo loại vải, màu sắc hoặc mức độ nhạy cảm, những loại vải khác nhau có thể tác động lẫn nhau trong quá trình giặt, gây ra sự mài mòn và xơ vải.
- Có các đồ vật bị sót lại trong túi của quần áo.
- Giặt quá nhiều quần áo trong một lượt giặt. Khi máy giặt quá tải, quần áo không có đủ không gian để di chuyển và lắc đều trong nước, dẫn đến việc chúng va chạm và tạo ma sát lẫn nhau. Điều này có thể gây ra sự mài mòn và làm xơ vải theo thời gian.
Cách khắc phục:
- Phân loại đồ giặt kỹ lưỡng và lấy hết các đồ vật còn sót lại trong túi của đồ giặt trước khi giặt.
- Giặt lượng đồ giặt hợp lý và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc các đơn vị sửa máy giặt.
- Vệ sinh bộ lọc xơ vải vì có thể nó đã quá bẩn để tiếp tục lọc xơ vải. (bộ lọc xơ vải của máy giặt cửa trên ở ngay thành máy giặt)
6. Bột giặt còn sót lại trên quần áo
Nguyên nhân:
- Sử dụng quá nhiều bột giặt.
- Bạn sử dụng bột giặt dùng để giặt tay, do đó không thể hòa tan với nước tốt và có thể bị vón cục khi giặt bằng máy giặt.
- Nước vào yếu dẫn đến không xả hết bột giặt có trong máy hoặc chọn chế độ giặt không phù hợp.
Cách khắc phục:
- Không giặt quá nhiều quần áo cùng một lúc.
- Sử dụng bột giặt hoặc nước giặt chuyên dụng cho máy giặt.
- Sử dụng đúng lượng bột giặt so với khối lượng quần áo (có thể xem hướng dẫn trên bao bì bột giặt).
7. Quần áo bị thủng hoặc rách
Nguyên nhân:
- Dùng thuốc tẩy mạnh và sai hướng dẫn
- Không kiểm tra các vật dụng như móc khóa hoặc đồ vật nhỏ trong các túi của quần áo trước khi giặt, làm cho vải bị xước do ma sát với các vật này trong quá trình quay vắt.
- Kiểm tra lòng máy giặt xem có vết xước không, các vết xước hoặc cong vênh trong lồng giặt cũng có thể là nguyên nhân khiến quần áo bị rách.
Cách khắc phục:
- Không nên trực tiếp đổ thuốc tẩy vào đồ giặt.
- Kiểm tra cẩn thận và lấy hết các vật nhọn trong túi quần áo. Ngoài ra, bạn không nên cho quần áo có quá nhiều phụ kiện như dây xích, kim tây hoặc móc khóa vào máy giặt.
- Không giặt một lúc quá nhiều đồ.
- Nên thường xuyên bảo dưỡng máy giặt. Tần suất bảo dưỡng 6 tháng 1 lần sẽ đảm bảo an toàn, sạch sẽ, tránh được việc phải sửa máy giặt thường xuyên và kéo dài tuổi thọ cho máy giặt.