
Bạn đang vội dùng cắm ấm siêu tốc, sạc điện thoại nhưng giật mình khi thấy ổ cắm có mùi khét và tia lửa lóe lên? Cảnh báo với bạn rằng đây là tình huống nguy hiểm và không được tiếp tục sử dụng ổ cắm đó cho đến khi được kiểm tra và khắc phục triệt để.
Phải làm gì khi phát hiện ổ điện có mùi khét?
Khi phát hiện ổ điện có mùi khét, bạn hãy lập tức ngắt nguồn điện trong nhà để tránh nguy cơ cháy nổ. Sau đó, bạn hãy ngắt luôn aptomat ngoài cột điện và gọi thợ điện đến kiểm tra luôn. An toàn là ưu tiên hàng đầu trong mọi tình huống điện có sự cố.

Các nguyên nhân dẫn đến ổ điện có mùi khét có nguy cơ cháy nổ
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng ổ điện bốc mùi cháy khét. Để tránh tuyệt đối tái diễn tình trạng này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý dưới đây.
1. Quá tải điện do cắm nhiều thiết bị công suất lớn
Khi bạn cắm quá nhiều thiết bị tiêu thụ điện năng cao vào cùng một ổ điện (bếp từ, lò vi sóng, ấm đun nước...),dòng điện vượt ngưỡng cho phép khiến ổ bị nóng, chảy nhựa hoặc nổ. Ví dụ, bạn đang nấu ăn trong bếp, sử dụng bếp từ, ấm siêu tốc, đồng thời cắm thêm lò vi sóng vào cùng một ổ điện đa năng trên tường. Sau 10 - 15 phút, bạn nghe mùi nhựa khét thoang thoảng, ổ điện nóng ran khi chạm vào. Có thể thấy ổ hơi biến dạng hoặc đổi màu xung quanh lỗ cắm.
Nguyên nhân là do tổng công suất vượt quá giới hạn chịu tải của ổ (thường chỉ 2.000 - 3.000W). Khi ổ không chịu nổi dòng điện lớn, linh kiện bên trong nóng chảy, gây chập và bốc mùi khét.
Cách phòng tránh:
- Không dùng ổ kéo dài cho thiết bị công suất lớn như tủ lạnh, máy giặt, máy sấy,...
- Mỗi thiết bị công suất cao nên có ổ riêng, đấu trực tiếp hoặc dùng ổ chuyên dụng chịu tải cao.
2. Dây điện hư hỏng hoặc chất lượng kém
Dây dẫn điện bị trầy xước, gãy gập, chuột cắn hoặc sử dụng loại dây kém chất lượng dễ dẫn đến rò điện, sinh nhiệt cục bộ và gây ra chập cháy. Trong phòng ngủ, dây nối ổ điện kéo dài bị kẹt dưới giường hoặc bàn ghế trong thời gian dài khiến lõi đồng bên trong bị gãy hoặc nứt. Khi cắm quạt và sạc điện thoại, bạn nghe thấy tiếng “tách” nhỏ, sau đó là mùi nhựa khét bốc lên từ đoạn dây bị gãy gập. Đây là tình huống dễ bị bỏ qua nhưng cực kỳ nguy hiểm.
Cách phòng tránh:
- Thường xuyên kiểm tra dây cắm dài, đặc biệt ở các điểm bị uốn cong, kẹp hoặc đặt dưới đồ nặng.
- Không dùng dây đã hỏng tạm bằng băng keo điện mà nên thay mới.
3. Ổ điện không đạt chuẩn an toàn
Ổ cắm giá rẻ không rõ xuất xứ, làm từ vật liệu tái chế, không có cầu chì bảo vệ và không đạt các tiêu chuẩn an toàn có thể nhanh chóng bị hỏng khi sử dụng. Ví dụ, bạn sử dụng ổ không đạt chuẩn an toàn trong phòng khách để cắm TV, loa và modem internet. Sau một thời gian sử dụng, ổ có thể bị lỏng lẻo, dễ tuột phích cắm. Một ngày nọ, khi bật loa, bạn thấy ổ phát ra khói nhẹ và có mùi khét rõ rệt. Đây là dấu hiệu của hiện tượng chảy nhựa, dễ dẫn đến cháy nếu tiếp tục sử dụng.
Cách phòng tránh:
- Không mua ổ giá rẻ không rõ nguồn gốc.
- Có thể chú ý thêm bằng cách kiểm tra ổ điện có chứng nhận chất lượng hay không (các chứng nhận bao gồm QCVN, CE, RoHS...)

4. Đấu nối điện sai kỹ thuật
Việc đấu nối sai dây nóng - dây nguội, không siết chặt tiếp điểm, bỏ qua cách điện chuẩn làm điện tiếp xúc không ổn định, dễ sinh ra tia lửa điện và gây cháy âm ỉ bên trong ổ.
Khi lắp thêm ổ cắm âm tường trong phòng làm việc, nhiều người tự lắp hoặc nhờ người quen lắp hộ chứ không gọi thợ điện. Nếu đi dây điện không đúng kỹ thuật thì sau vài ngày sử dụng, khi để sạc laptop, điện thoại hay cắm đèn, bạn thấy mùi khét từ ổ điện đó
Cách phòng tránh:
- Luôn gọi người có chuyên môn khi cần lắp ổ cắm mới.
- Kiểm tra kỹ các ổ vừa lắp: phích cắm có khít không, có bị nóng khi sử dụng không.
- Không tự ý đấu dây nếu không am hiểu về điện.
Thay đổi thói quen sử dụng trong gia đình để phòng tránh nguy cơ cháy nổ từ ổ điện
Để tránh ổ điện bị nóng, có mùi khét hay chập cháy, mỗi gia đình nên thay đổi những thói quen nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày.
Đầu tiên, bạn hãy cẩn thận với các ổ điện trong bếp, nhà tắm và ban công. Hơi nước và dầu mỡ dễ bám vào, lâu ngày làm ổ điện ẩm, rỉ sét. Các thiết bị điện đặt trong các khu vực này nếu có vấn đề cũng nên gọi thợ sửa ngay. Vì hệ thống điện rất nguy hiểm, nên để đảm bảo an toàn, thì bạn hãy ưu tiên lựa chọn đơn vị sửa bếp từ, máy giặt, tủ lạnh,... uy tín nhé!
Bên cạnh đó, mọi người cũng không nên nối ổ điện chồng lên nhau hoặc kéo dây lòng vòng. Cách dùng này dễ gây quá tải và khiến điện không ổn định. Tốt hơn, mỗi thiết bị nên có ổ riêng hoặc lắp thêm ổ cố định nếu thiếu.