Skip to content

Tại sao vỏ ngoài tủ lạnh LG nóng bất thường?

2 lượt đọc

Vỏ ngoài tủ lạnh LG, đặc biệt là hai bên hông hoặc khu vực gần cửa tủ, có cảm giác nóng bất thường có thể khiến người dùng lo lắng. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, đây là hiện tượng bình thường và bạn hoàn toàn có thể khắc phục.

Nóng ở vị trí gần cửa tủ lạnh

Một trong những vị trí mà người dùng dễ cảm nhận nhiệt lượng tỏa ra là ở phần giữa hai cánh cửa của dòng tủ lạnh side-by-side hoặc phần viền quanh cánh cửa các mẫu tủ lạnh LG khác.

Thực chất đây là một thiết kế có chủ đích từ nhà sản xuất của thiết bị. Các khu vực này là nơi mà không khí lạnh bên trong thường xuyên tiếp xúc với không khí nóng bên ngoài, nên rất dễ xảy ra hiện tượng ngưng tụ hơi nước, đặc biệt trong những ngày có độ ẩm cao.

Để khắc phục tình trạng đọng nước tại vị trí tiếp giáp giữa hai môi trường nhiệt độ khác biệt, nhà sản xuất LG đã tích hợp hệ thống dây điện trở sưởi ấm ẩn bên trong. Dây điện trở sẽ tự động tỏa ra lượng nhiệt nhằm làm khô hơi nước, ngăn ngừa tình trạng đọng nước hay rò rỉ nước. Đây vừa là biện pháp bảo đảm vệ sinh cho thiết bị, vừa giữ cho gioăng cao su khô ráo, không bị nấm mốc.

Nguồn nhiệt ở gần tủ lạnh
Nguồn nhiệt ở gần tủ lạnh

Do đó, nếu cảm thấy nóng ở khu vực này, bạn không cần lo lắng vì đây là điều hoàn toàn bình thường, không phải dấu hiệu hư hỏng hay lỗi thiết bị.

Tủ lạnh đặt quá sát tường hoặc khu vực bí khí

Một sai lầm phổ biến khi lắp đặt và dịch chuyển tủ lạnh LG là đặt tủ quá sát tường, không có khoảng trống để tản nhiệt hiệu quả. Trong khi đó, mọi tủ lạnh đều cần được bố trí ở nơi thoáng khí, có khoảng cách tối thiểu khoảng 10cm với tường phía sau và 5cm với hai bên để đảm bảo luồng không khí đối lưu tự nhiên có thể đưa nhiệt lượng ra ngoài.

Nếu không khí bị giữ lại phía sau hoặc bên cạnh tủ, nhiệt độ bề mặt sẽ tăng cao do không thể thoát ra. Về lâu dài, tình trạng này không chỉ khiến tủ lạnh nóng bất thường mà còn khiến máy nén bị quá tải, làm giảm hiệu suất làm lạnh và tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Khi lựa chọn vị trí và lắp đặt tủ lạnh, bạn cần đảm bảo không gian lắp đặt luôn rộng rãi, thông thoáng và mát mẻ, tránh đặt tủ lạnh dưới ánh nắng trực tiếp, tránh đặt tủ trong hốc kín hoặc gần các thiết bị phát nhiệt khác.

Cuộn dây ngưng bị bẩn

Nhiệm vụ của cuộn dây ngưng là xả nhiệt của môi chất làm lạnh ra bên ngoài. Khi bộ phận này bị bám bụi dày đặc, quá trình tản nhiệt sẽ bị cản trở, dẫn đến hiện tượng tích tụ nhiệt ở hai bên tủ và phía sau. Điều này không chỉ khiến tủ nóng mà còn buộc máy nén hoạt động với cường độ cao hơn để duy trì độ lạnh bên trong.

Cuộn dây ngưng bị bẩn có thể dẫn đến nhiều sự cố trên tủ lạnh
Cuộn dây ngưng bị bẩn có thể dẫn đến nhiều sự cố trên tủ lạnh

Để khắc phục, người dùng nên định kỳ vệ sinh cuộn dây ngưng 3 - 6 tháng một lần bằng cách:

  • Rút điện tủ lạnh LG.
  • Nghiêng tủ lạnh để có một khoảng vừa đủ để tiếp cận cuộn dây ngưng.
  • Dùng chổi mềm hoặc máy hút bụi mini để làm sạch cuộn dây ngưng.
  • Nếu tủ lạnh đặt ở khu vực nhiều bụi như gần cửa sổ, gần bếp hoặc gần quạt hút, bạn sẽ cần tăng tần suất vệ sinh cuộn dây ngưng để đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả.

Tủ lạnh vừa được cắm điện hoặc mới chuyển đến vị trí mới

Trường hợp bạn mới mua tủ lạnh LG hoặc mới di chuyển thiết bị từ nơi này đến nơi khác đến và vừa được cắm điện trở lại, hiện tượng vỏ tủ lạnh nóng trong vài giờ đầu là hoàn toàn bình thường.

Nguyên nhân là bởi thời gian bạn rút dây điện và di chuyển thiết bị sẽ đưa nhiệt độ bên trong tủ về nhiệt độ phòng. Sau khi cắm nguồn, máy nén sẽ ngay lập tức hoạt động và sẽ phải hoạt động liên tục và mạnh mẽ hơn để nhanh chóng làm mát toàn bộ khoang tủ để đưa nhiệt độ của tủ lạnh về mức nhiệt độ lý tưởng.

Khi máy nén hoạt động liên tục trong thời gian dài, lượng nhiệt sinh ra cũng sẽ nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, sau khoảng 12 đến 24 giờ, khi nhiệt độ trong tủ lạnh đã ổn định, hệ thống làm lạnh sẽ chuyển sang trạng thái vận hành tiết kiệm và nhiệt lượng phát ra sẽ giảm dần.

Nếu sau khoảng thời gian này mà nhiệt độ vỏ ngoài vẫn quá cao, người dùng nên kiểm tra lại vị trí đặt tủ, độ thông thoáng và điều kiện vận hành để xác định nguyên nhân.

Mùa hè hoặc thời tiết nắng nóng làm tăng nhiệt lượng tỏa ra

Thời tiết nắng nóng cũng là một yếu tố khiến tủ lạnh LG có cảm giác nóng hơn bình thường. Khi nhiệt độ môi trường xung quanh tăng cao, đặc biệt là trong các tháng hè, hiệu suất tản nhiệt tự nhiên giảm xuống do chênh lệch nhiệt độ giữa thiết bị và môi trường nhỏ hơn. Điều này buộc hệ thống làm lạnh phải vận hành lâu hơn và nhiệt lượng tỏa ra cũng sẽ nhiều hơn.

Ngoài ra, vào mùa hè, người dùng thường có xu hướng mở cửa tủ lạnh thường xuyên để lấy nước mát, kem hoặc lưu trữ nhiều thực phẩm hơn. Mỗi lần mở cửa sẽ khiến khí lạnh thất thoát, làm tăng thời gian hoạt động của máy nén và phát sinh thêm nhiệt ra các bề mặt bên ngoài.

Cách phân biệt giữa nóng bình thường và dấu hiệu hư hỏng

Có thể thấy các tình huống trên đều không phải vấn đề quá đáng quan ngại. Nếu bạn phát hiện sớm, bạn không cần sửa tủ lạnh LG tại nhà mà chỉ cần dịch chuyển vị trí của tủ lạnh và thay đổi thói quen sử dụng cho phù hợp.

Mặc dù vậy, người dùng cũng không nên chủ quan mà cần chú ý quan sát và nhận biết các dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý.

Nếu nhiệt độ quá cao đến mức không thể chạm tay vào được hoặc đi kèm mùi khét, tiếng kêu lạ từ phía sau tủ, có thể tủ đang gặp vấn đề về hệ thống điện, máy nén hoặc mạch điều khiển bên trong.

Trong những trường hợp như vậy, người dùng nên nhanh chóng rút điện tủ lạnh và liên hệ với trung tâm sửa chữa điện lạnh bách khoa Hà Nội để kỹ thuật viên tới kiểm tra và xử lý kịp thời. Không nên tự ý sửa tủ lạnh LG tại nhà khi gặp những vấn đề không rõ nguyên nhân dưới mọi hình thức.

1 bầu chọn /trung bình: 5