
Lắp đặt tủ lạnh Samsung đúng cách là điều kiện tiên quyết để thiết bị có thể hoạt động trơn tru và đạt hiệu suất cao nhất.
Không ít người dùng do lắp đặt sai cách, không chú ý đến các yêu cầu nhỏ khi thực hiện mà tủ lạnh liên tục gặp sự cố khi vận hành và họ phải bỏ tiền để sửa tủ lạnh Samsung tại nhà chỉ vì lý do này.
So với các thiết bị khác như máy giặt hay điều hòa thì lắp đặt tủ lạnh tương đối đơn giản nên bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà. Điểm khó khăn nhất là tủ lạnh thường có kích thước lớn nên quá trình vận chuyển sẽ gặp nhiều trở ngại và bạn có thể phải tháo cả cửa tủ lạnh.
Khi lắp đặt tủ lạnh Samsung hãy lưu ý:
- Vì lý do an toàn, nên có hai hoặc nhiều người thực hiện lắp đặt.
- Có nguy cơ cửa có thể rơi ra hoặc đổ và bị hư hỏng trong quá trình thực hiện. Để tránh tai nạn, hãy hết sức thận trọng khi thực hiện các bước này.
Hướng dẫn sử dụng đi kèm với tủ lạnh thường bao gồm cả các bước cần thực hiện khi lắp đặt tủ lạnh Samsung nhưng nếu bạn vô tình làm mất hướng dẫn sử dụng hoặc cần mô tả chi tiết hơn thì có thể tham khảo các bước sau đây:
Bước 1: Xác định vị trí đặt thiết bị
Vị trí đặt tủ lạnh phù hợp phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Bề mặt rắn chắc, phẳng, không để tủ lạnh trên thảm. Tránh những vị trí có gạch vỡ hoặc không chắc chắn.
- Có khoảng trống để thông gió tốt. Cần phải có không gian tối thiểu 10cm với tường phía sau và ở hai bên; 5cm với trần nhà.
- Cần nhiều không gian hơn kích thước thực tế của tủ lạnh để mở và đóng cửa thoải mái, không va đập vào đồ vật xung quanh.
- Tránh các vị trí ẩm ướt, gần nguồn nhiệt hoặc bị ảnh hưởng bởi ánh sáng trực tiếp từ mặt trời.
- Nhiệt độ phòng được khuyến nghị là từ 5°C đến 43°C.
- Đảm bảo nguồn điện ở vị trí đặt tủ ổn định với nguồn điện áp 220V. Sử dụng ổ cắm riêng biệt, không dùng chung với thiết bị công suất lớn.
Thông thường người dùng sẽ tìm mua tủ lạnh trước rồi khi mang về nhà mới bắt đầu tính toán xem nên để ở đâu. Điều này có thể dẫn đến việc mua tủ lạnh quá cỡ trong khi diện tích để có hạn hoặc mất thời gian để dọn dẹp chỗ cho tủ lạnh.
Chúng tôi khuyên bạn nên tính toán trước về vị trí đặt tủ lạnh, không chỉ về phòng đặt, kích thước tủ dự kiến, chiều xoay mà còn cần xem xét xem việc di chuyển tủ lạnh đến vị trí đó có thật sự khả thi hay không. Nếu cần di chuyển tủ lạnh đến vị trí lắp đặt có lối đi hẹp, bạn có thể sẽ phải tháo/lắp cửa tủ.
Sau khi đã có kích thước cụ thể cho vị trí đặt tủ, khi chọn mua tủ, bạn cần đảm bảo tủ lạnh phải có kích thước phù hợp, thường sẽ nhỏ hơn kích thước bạn đo một vài cm.
Bước 2: Di chuyển tủ
Nếu vị trí đặt tủ ở phòng ngay tầng 1, bạn có thể sử dụng xe đẩy chuyên dụng để đưa tủ lạnh vào nhà. Nhưng nếu phải đưa tủ lạnh lên phòng qua cầu thang, bạn cần chú ý:
- Cố định tủ bằng dây cao su để tránh cho tủ bị bung ra và va đập xung quanh khi di chuyển. Chuẩn bị các tấm chắn xốp hoặc nhựa xung quanh tủ lạnh, đặc biệt là các góc cạnh để giảm thiểu tối đa hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
- Khi vận chuyển, nên cố gắng nâng tủ lạnh và di chuyển theo phương thẳng đứng thay vì nằm ngang. Máy nén tủ lạnh chứa dầu bôi trơn, giúp bảo vệ và làm mát các bộ phận bên trong. Nếu tủ lạnh nằm ngang hay nghiêng, dầu có thể chảy vào ống dẫn gas. Nếu cắm tủ và bật nguồn ngay khi vừa vận chuyển, dầu có thể gây tắc nghẽn đường ống, làm giảm hiệu suất làm lạnh hoặc hư hỏng máy nén.
- Cần ít nhất hai người để đảm bảo quá trình vận chuyển được diễn ra an toàn.
Bước 3: Lắp đặt tủ lạnh Samsung
- Nhẹ nhàng đặt tủ trên mặt phẳng và vị trí đã ước định từ trước, điều chỉnh chân tủ theo hướng dẫn trong hướng dẫn đi kèm với thiết bị để cân bằng. Có thể dùng thước thủy để xác định tủ đã được cân bằng hay chưa hoặc giữ ở hai bên tủ và lắc nhẹ. Nếu tủ rung mạnh thì có nghĩa là chưa cân bằng và cần điều chỉnh thêm.
- Kiểm tra xem cửa tủ có mở rộng thoải mái hay không.
- Một số mẫu tủ Samsung có khay hứng nước phía sau. Đọc hướng dẫn sử dụng để lắp đặt đúng cách.
- Đối với tủ có tính năng lấy nước/ làm đá tự động sử dụng đường dẫn nước riêng, bạn cần kiểm tra đường ống và van cấp nước để tránh rò rỉ.
Bước 4: Kiểm tra khả năng vận hành
- Không cắm điện ngay sau khi vừa vận chuyển bởi dầu máy nén cần thời gian ổn định. Nên cắm dây nguồn sau ít nhất từ 2 đến 4 tiếng.
- Tủ sẽ không mát ngay lập tức khi vừa cắm điện nên bạn không nên vội bỏ thực phẩm vào bên trong, tránh làm hư hỏng thực phẩm. Tủ lạnh Samsung thường mất khoảng từ 4 đến 6 giờ để đạt được nhiệt độ lạnh mong muốn sau khi cắm điện.
- Tương tự với tính năng làm đá tự động, bạn có thể cần đợi từ 24 đến 48 tiếng để tủ lạnh ổn định các chức năng và bắt đầu làm đá.
- Tuy không thể xác minh tủ lạnh có thể hoạt động hay không ngay sau khi cắm bằng cách kiểm tra nhiệt độ nhưng đối với tủ lạnh có màn hình LED bạn vẫn có thể thấy màn hình sáng và hiển thị bình thường để biết tủ đang hoạt động. Nếu không có màn hình LED, hãy thử mở cửa tủ để xem đèn tủ lạnh có sáng hay không.
- Tiếp đến là kiểm tra tủ có đóng kín hay không. Nếu vận chuyển không cẩn thận hoặc cố định tủ không kỹ, cửa tủ có thể bị hư hỏng hoặc bị lệch. Kẹp một tờ giấy vào cửa tủ rồi kéo nhẹ, nếu giấy không dễ rơi ra, cửa tủ kín tốt. Nếu cửa không đóng khít, hãy kiểm tra gioăng cao su hoặc cân bằng lại tủ.
Bước 5: Bỏ thực phẩm vào tủ lạnh
Sau khi đã chờ đủ thời gian để tủ lạnh ổn định, lúc này bạn có thể bỏ thực phẩm vào trong tủ lạnh và điều chỉnh nhiệt độ của tủ. Nhiệt độ lý tưởng cho ngăn mát là khoảng 3°C và -18°C cho ngăn đông.
Nếu có bất kỳ điểm bất thường nào sau khi lắp đặt tủ lạnh, bạn cần nhanh chóng liên hệ cho đơn vị cung cấp để kịp thời sửa tủ lạnh Samsung. Lưu ý, những hư hỏng do quá trình vận chuyển và tự lắp đặt của bạn sẽ không nằm trong chính sách bảo hành của thiết bị nên nếu có hư hỏng, bạn sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Cũng vì lý do này nên bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định tự lắp đặt tủ lạnh Samsung tại nhà.
Tham khảo từ: samsung.com